Ngày đăng: 08:45 AM 02/12/2015 - Lượt xem: 3279
Chuyến xe buýt từ cầu Ông Lãnh đến chợ đầu mối Thủ Đức là một trong hai chuyến xe buýt sớm nhất Sài Gòn. Hành khách trên chuyến xe đầu ngày, người kết thúc, kẻ bắt đầu 1 ngày mưu sinh nhưng tất thảy như anh em, xóm giềng…
Vì phải thức khuya dậy sớm, mọi người trên những chuyến xe buýt sớm đều tranh thủ chợp mắt cho đỡ mệt mỏi
4g: Chuyến đầu tiên của xe buýt 42 bắt đầu lăn bánh. Trạm đón khách đầu tiên trên đường Nguyễn Thái Học gần cầu Ông Lãnh, một phụ nữ đi cà nhắc sót lại phía sau được kéo lên. Khuôn mặt gầy sọm nở nụ cười, giải thích với mọi người: “Gót nứt đau quá”. Bàn chân nứt nẻ vết chân chim của bà để trên sàn xe lạnh ngắt, nhưng: “Kệ nó, cùng lắm nó mòn lên đến bẹn. Lo chi” – người phụ nữ tên Minh hóm hỉnh như động viên chính mình.
Chở một niềm mơ ước
Trên chuyến xe buýt đầu ngày này, bà Minh (quê ở Đức Phổ, Quảng Ngãi) chắc chắn không phải là người mưu sinh duy nhất, cũng không phải là người hoàn cảnh nhất. Chồng mất khi con út 5 tuổi, bà Minh vào Sài Gòn bán trái cây dạo khi đứa thứ nhất đậu đại học. Đến nay đứa thứ tư đang là sinh viên Đại học Sư phạm năm 3.
Qua một khúc cua, chiếc bánh ú còn ăn dở trên tay bà Minh rơi xuống sàn xe khiến bà tỉnh ngủ. Dưới ánh sáng chập chờn của đèn đường hắt vào, bà Minh vừa nheo mắt tính tiền hàng được ghi trên những mảnh giấy nhỏ xíu. Một vài người cũng giật mình vì chiếc xe xóc mạnh nhưng lại nhắm mắt ngay sau đó. Giấc ngủ vớt chênh chao.
4g45: Xe vừa dừng bánh ở cổng chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức, mọi người vội vã nhảy xuống. Bước chân bà Minh và nhiều người cùng sấp ngửa hòa vào khu chợ eo sèo người bán kẻ mua. Có người đi như chạy vì sợ để vuột mất mớ trái ngon.
5g: Cũng xe buýt 42, chuyến về từ chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức đến cầu Ông Lãnh náo nhiệt hơn hẳn so với chuyến đi. Những thùng trái cây, bao rau được xếp kín cả lối. Xe chật ních người và rau quả. Nhưng dường như đã quen với việc đó, không có cãi cọ, tranh giành. Chỉ có tiếng réo gọi tên người soát vé quen thuộc: “Chú Cảnh ơi” để được sắp chỗ cho thùng hàng của mình.
Một vài chiếc túi xách nằm lăn lóc trên những chiếc ghế. Đó là cách để người ta đánh dấu chỗ ngồi. “Cái lệ trên xe này là vậy. Người nào ra sớm thì đánh dấu chỗ ngồi của mình bằng cái túi, cái áo để lo khiêng hàng lên xe. Trên xe toàn người đã biết nhau. Có người lạ là tui chú ý ngay nên chẳng sợ mất cắp” – người lái xe giải thích.
Trọ khác nơi, bán khác nẻo nhưng cứ 4g sáng họ lại gặp nhau ở trạm dừng này, chờ chuyến xe buýt 42 đầu tiên để lên chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức mua trái cây. Theo chuyến xe buýt đầu ngày để tỏa vào khắp các ngõ ngách TP kiếm tiền nuôi mơ ước cho con và cũng là mơ ước đời mình: con không khổ như mẹ cha.
“Láng giềng” xe buýt
5g15: Xe chuyển bánh, mùi quả chín lan tỏa trong không gian chật hẹp của những chiếc ghế. Tiếng Bắc, Trung, Nam rôm rả về những đứa con đi học, về giá các loại trái cây, về chứng đau chân vì rong ruổi khắp mọi nẻo đường. Sáng nào vắng mặt một người, tiếng miền Trung, miền Nam, miền Bắc lại xôn xao hỏi nhau có chuyện gì? Ốm à? Hay con đau? Thỉnh thoảng họ chuyền tay nhau chai dầu gió, phết lên mũi để xua tan cái se lạnh buổi sáng.
Xe bon bon, bất chợt bà cụ Hai Na gầy gò ngồi giữa những bao rau cao ngang đầu đang tham gia câu chuyện khí thế bỗng cong lưng lại vì cơn ho khan. Mọi người xúm lại, người xoa dầu, người vỗ lưng. Cơn ho dịu lại, nụ cười long lanh nước trong khóe mắt, cụ Hai Na xua tay: “Tổ cha cái điếu thuốc rê!”. Mấy người phụ nữ ngồi phía trên quay xuống phàn nàn: “Bảo bỏ thuốc mà đâu có chịu, đổ bệnh ra rồi lại kêu tổ cha nó”.
Qua cầu Bình Triệu, gió sông thổi vào cửa xe se lạnh. Người phụ nữ ngồi bên cạnh đắp tấm nilông lên mình cụ Hai Na đang ngoẹo đầu trên ghế ngáy thật to, rồi chị kể giọng Bình Định nghe thật ân cần: “Bả ngồi trên xe không dám hút thuốc vì sợ tụi tui kình (la – PV), nhưng vào chợ là hút liền. Còn khỏe lắm đó, cõng hai giỏ rau đi phăm phăm à!”.
Đến đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, lại một ông cụ trước khi xuống trạm gần Tòa án nhân dân TP.HCM cười thật tươi với những người ngồi lại, giơ tay chào theo kiểu quân đội. “Già Năm thẩm phán” là biệt danh mọi người trên chuyến xe này đặt cho ông. Một ông khác ngồi tít ở hàng ghế cuối cùng cười bông đùa:
“Ổng xét xử tất cả vụ án trong tòa, quyền to lắm chứ chơi”, cả xe rộ lên tiếng cười. “Ông già đi đánh giày, xuống trạm này ngay tòa án, đi bộ ra công viên. Sáng nào cũng ăn chỉ một củ khoai lang mà cười suốt vậy đó” – chị Nguyễn Thị Yến (quê Đồng Tháp), người bán dạo thảm chùi chân, giải thích về biệt danh “già Năm thẩm phán” của ông cụ.
Trên chuyến xe này không chỉ có “già Năm thẩm phán” mà còn có cô Hoa “bác sĩ” bán khoai luộc xuống trạm ở Bệnh viện Nhi Đồng 1, “giáo sư” Ngọc bán xôi xuống trạm ở Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn – những biệt danh tếu táo gắn liền với những trạm dừng xe buýt, giúp những “láng giềng” dễ nhớ nhau và xua bớt sự vất vả mưu sinh.
Và đều đặn những buổi mờ sương của TP, một bàn tay kéo bà Minh lên xe, một lời lo lắng cho cơn ho của cụ Hai Na, một nụ cười của “già Năm thẩm phán” cũng đủ làm những khuôn mặt thức khuya dậy sớm bớt chút mệt mỏi, để bắt đầu một ngày mưu sinh giữa Sài Gòn tấp nập.
Lặn lội mót rau đêm
Bà cụ Hai Na, quê tuốt Cà Mau lên Sài Gòn khi con bà chủ nhà trọ còn đang bú, nay nó đã học hết đại học. Gắn bó với nghề bán rau dưới chân cầu Ông Lãnh, rau của cụ là thứ mót được sau khi xe rau phân phối, giá rẻ hơn rất nhiều so với người ta. Cứ vậy riết thành quen nên khi chợ đầu mối dời khỏi Cầu Muối, cụ lại lặn lội ngày hai bận đi về trên chuyến xe buýt 42 này lên Thủ Đức mót rau rồi sáng sớm lại được nghe tiếng gọi í ới: “Má để giành con bó rau” của những người nghèo dặn trước khi đi làm.
Để mót rau, cụ Hai Na phải đi chuyến xe buýt 42 muộn nhất từ chợ Cầu Muối lên chợ nông sản thực phẩm Thủ Đức lúc 22g. Ngủ vài giờ trong những chiếc võng người ta cho thuê trong chợ. 2g sáng trở dậy, đón những chiếc xe tải chở rau vào chợ để mót. Đầy giỏ cũng vừa kịp chuyến sớm nhất từ chợ nông sản thực phẩm Thủ Đức về chợ Cầu Muối.
Ngọc Nga – Thùy Trang (Theo TTO)