Ngày đăng: 09:55 AM 02/12/2015 - Lượt xem: 2650
TT – Dù cuộc sống còn chật vật nhưng nhiều người vẫn chắt bóp dành dụm để san sẻ, giúp đỡ những người khó khăn hơn mình vì tâm niệm “sống trong đời sống cần có một tấm lòng…”.
Đang ngồi gọt mớ củ cải làm dưa chua rồi sửa soạn đồ chất lên xe bánh mì để sớm mai đi bán, chị Đỗ Thị Giàu bỗng nghe loáng thoáng tiếng phát thanh viên đọc trên đài: “Có một gia đình năm người mà chỉ sống nhờ vào mười con vịt đẻ. Mỗi khi vịt thay lông, không đẻ trứng, cả nhà phải ăn củ chuối luộc trừ cơm. May mắn có hàng xóm cho mượn vài lon gạo thì nấu cháo trộn với chuối…”.
Nhín ăn lo cho người khổ
Con muốn tặng bác… con mắt Ông Thái Văn Hợp là một người khiếm thị, nhà ở Sóc Trăng, kể: “Thông qua một chương trình từ thiện, tui có giúp vài gia đình nghèo. Tui giúp rồi thôi, cũng không nhớ mình đã giúp ai, không cần được người ta nhớ ơn đền đáp. Bỗng một hôm, tui nhận được điện thoại của một chị phụ nữ. Chị nói nhẹ tênh: Bác ơi, con muốn tặng bác một… con mắt, bác nghĩ sao? Ngạc nhiên quá đỗi, tui hỏi lần một hồi mới biết chị này chính là người đã được tui giúp đỡ. Tui xúc động quá. Tui không giàu có gì, chỉ làm được chút chuyện cho người nghèo mà không ngờ lại được chính người nghèo khổ hơn mình đề nghị đền ơn bằng chính một phần thân thể”. Còn chị Đỗ Hiền Tâm, người đưa ra lời đề nghị tặng… mắt cho ông Hợp, lý giải một cách hồn nhiên: “Tôi đau ốm liên miên, cũng không làm được việc gì giúp đời. Cho bác Hợp một con mắt, tôi cũng còn thấy đường, bác Hợp lại có được ánh sáng mà đi giúp thêm nhiều người nữa”. |
Chỉ có giọng đọc phát ra từ chiếc radio cũ, không thấy hình, không biết mặt, vậy mà hình ảnh “bà Bảy” nào đó ở tuốt Giồng Riềng, Kiên Giang cùng nồi củ chuối luộc khiến chị Giàu nghe lòng rưng rưng. Bỏ ngang công chuyện đang làm, chị lục kiếm cây viết và mớ giấy gói bánh mì nhưng chỉ kịp ghi lại địa chỉ của nhà đài chứ không kịp ghi chỗ ở của “bà Bảy”.
Hỏi thăm kỹ đường đi, chị Giàu đội nón lá, dắt chiếc xe đạp cũ ra khỏi nhà, túc tắc đạp đến trụ sở Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM. “Bữa đó, mấy cô trên đài hỏi tui tên gì, làm nghề gì. Tui nói tui bán bánh mì ôpla lề đường. Mấy cô lại hỏi: Chương trình Sát cánh cùng gia đình Việt mà cô nghe có hai gia đình khó khăn, cô muốn giúp gia đình nào? Chu cha, lúc ở nhà nghe loáng thoáng chỉ nhớ một gia đình của “bà Bảy”, giờ mới biết có tới hai gia đình nghèo. Tui móc túi, đếm lại tiền rồi vét hết tặng mỗi gia đình 300.000 đồng. Dắt xe về, trong túi hết tiền mà trong lòng vui” – chị Giàu nhớ lại.
Làm nghề bán bánh mì ôpla ở góc đường Đề Thám, Q.1, TP.HCM hơn 20 năm nay, sáng nào chị Giàu cũng thức dậy từ 3g-4g để chuẩn bị hàng. Bất kể ngày nắng cũng như ngày mưa, ngày dông, ngày bão, thậm chí mồng 1 Tết Nguyên đán chị cũng đi bán. Vì là xe bán dạo lề đường, chị không dám mua dù lớn, chỉ cắm một cái dù nhỏ trên xe đủ để che bánh mì cho khỏi ướt khi mưa gió.
Bán từ ngày ổ bánh mì ôpla giá 2.000 đồng giờ đã lên 10.000 đồng/ổ, chị chắt bóp từng đồng dành dụm để nuôi con. Nghèo khổ vậy nhưng tánh chị Giàu cũng ngộ. Chị không bao giờ dám bỏ tiền ăn tô bún 20.000 đồng. Bị bệnh, chị không bao giờ dám bỏ tiền mua trọn toa thuốc. Bị bướu, chị đi mổ theo chương trình từ thiện. Mổ xong, chị ra ghế đá bệnh viện nằm một giờ rồi toan đạp xe về. Vết mổ còn mới, đạp xe đau quá, chị quyết dắt bộ từ bệnh viện về nhà chứ không dám bỏ mấy chục ngàn đi xe ôm. Vậy mà nói tới tiền làm từ thiện thì chị không tiếc. Chị Giàu thiệt tình: “Hồi đầu, lúc có tiền tui còn ủng hộ mỗi gia đình nghèo được 300.000 đồng. Lúc nào tiền ít thì tui bớt còn 250.000 đồng. Mấy bữa rày đau chân, không đi bán được, tui cho được mỗi nhà có 100.000 đồng thôi. Nhín được bao nhiêu, tui cho bấy nhiêu. Tui nghĩ tui không giàu có gì nhưng còn có ăn, có mặc thì nhín lại chút đỉnh giúp người nghèo khổ”.
Hôm chúng tôi đến gặp chị Giàu, hai chân chị vẫn còn đau nhức, mỗi bước đi tập tễnh, không dám chạm mạnh gót chân. Vậy mà chị đâu chịu ở không. Dạo này giáp tết, chị đi xin quần áo cũ của mấy nhà trong xóm về soạn lại, đem đóng vào thùng. Vừa xếp lại mớ quần áo cũ chị vừa băn khoăn: “Mới xin được hai thùng thôi. Chờ ít bữa người ta dọn nhà, dọn tủ, bỏ đồ cũ thì mình gom thêm rồi đi tặng người nghèo. Coi tui yếu vậy nhưng mấy chỗ nuôi người già, con nít mồ côi ở TP này, tui đều đạp xe tới hết”.
Cắc củm làm từ thiện
Mỗi khi có khách vào bấm huyệt hay matxa, bạn Trần Thị Kim Trúc, kỹ thuật viên cơ sở Nhật Hồng – dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức, lại cặm cụi dùng thanh kim loại nhỏ khắc lên một bản nhựa. Đây là cơ sở bấm huyệt có nhân viên là người khiếm thị. Ngoài thời gian làm kỹ thuật viên bấm huyệt, Trúc còn kiêm thêm công việc tiếp tân, bán hàng thủ công. Trong tủ kính đặt tại quầy tiếp tân, lẫn trong những xâu móc khóa, vòng tay bằng hạt nhựa, Trúc để thêm một chiếc loa nhỏ. Hôm nay vắng khách, Trúc và Hoài Nam, Văn Minh cùng quây quần nghe một chương trình từ thiện trên đài phát thanh.
Trúc kể nếu tháng nào có nhiều khách, Trúc được lãnh tổng cộng 1,5 triệu đồng. Sau khi gói ghém chi tiêu và gửi một ít về quê, Trúc vẫn để dành được khoảng 300.000 đồng làm từ thiện. Phạm Hoài Nam, đồng nghiệp của Trúc, giải thích: “Tụi em ở đây được bao ăn ở, chẳng đứa nào sắm sửa gì cho bản thân nên ngần đó tiền xài cũng dư dả. Có tháng ít khách, thu nhập mỗi đứa chỉ khoảng 1 triệu đồng, vậy mà tụi em vẫn có thể gửi về quê phụ giúp bố mẹ, còn lại một ít thì giúp người khổ hơn mình. Mới rồi tụi em đã thành lập nhóm Ngày Mới, tập hợp chừng mười bạn khiếm thị có cùng sở thích làm từ thiện”. Không chỉ rủ nhau giúp người nghèo, nhóm Ngày Mới còn tranh thủ vận động thêm khách đến matxa cùng làm từ thiện. Bạn Cao Văn Minh tiết lộ: “Mỗi lần nghe trên đài có chương trình về người nghèo, tụi em đem máy ghi âm ra thu lại. Lựa lúc mấy cô bác là khách quen đến bấm huyệt, tụi em mở cho khách nghe. Coi vậy mà hiệu quả lắm. Hằng tuần, tụi em gom tiền của thành viên trong nhóm và của khách ủng hộ rồi gửi cho một chị khách nhờ chị chuyển khoản cho nhà đài”.
Tết này, 23 tháng chạp là nhân viên cơ sở Nhật Hồng sẽ được nghỉ. Nhưng với Trúc, Nam, Minh, ngày tết là những ngày tất bật, xuôi ngược kiếm việc làm thêm. Năm rồi, mấy ngày tết Trúc đón xe đò về Kiên Giang, xin việc làm thời vụ tại một điểm matxa. Trúc khoe: “Làm ngày tết, tiền công được trả cao hơn bình thường. Một suất matxa mình kiếm được 25.000-30.000 đồng. Ráng làm mấy ngày tết cũng kiếm thêm được chút tiền. Em mù lòa như vậy đâu có đi đâu chơi, ngồi không ở nhà buồn lắm”. Năm ngoái, Hoài Nam nhờ người quen xin việc làm tại một cơ sở tận Châu Đốc, Văn Minh chạy xuống làm ở Long Xuyên. “Đó là chuyện năm ngoái chị ơi. Năm nay tới giờ này cũng chưa biết người ta có mướn tụi em làm hay không nữa. Mấy năm rồi em không có mua quần áo mới. Tết này nếu xin được việc, em tính mua 1-2 cái quần tây, hết quần mặc rồi. Còn áo thì có áo của mấy anh chị cho, mặc còn tốt lắm” – Trúc, Nam thú thật. Tiễn tôi ra về, cô bạn nhỏ ngước cặp mắt mờ đục hướng về phía tôi dặn: “Chị đi viết báo, thấy chỗ nào có người khổ hơn tụi em, chị cho tui em biết để coi tụi em có giúp gì được người ta không…”.
Theo TT Online