Ngày đăng: 09:15 AM 02/12/2015 - Lượt xem: 3171
Tính đến chiều tối 26-9, bão số 4 đang áp sát các tỉnh miền Trung, gió bắt đầu giật mạnh kèm theo mưa lớn. Chính quyền, các lực lượng bộ đội, công an, dân phòng, thanh niên xung kích… cùng với người dân triển khai cấp bách các biện pháp đối phó với bão số 4, đồng thời đề phòng lũ lớn có thể về bất cứ lúc nào…
Đối phó bão
Theo cập nhật của Trung tâm PCLB miền Trung – Tây Nguyên, đến chiều 26-9, Bộ đội Biên phòng các tỉnh từ Phú Yên đến Quảng Bình đã kêu gọi được 31.459 tàu, thuyền/147.290 người vào bờ trú ẩn an toàn. Hiện vẫn còn 35 tàu/488 người đang hoạt động tại vùng biển quần đảo Hoàng Sa. Hiện 12 tàu của Quảng Nam đang trú tránh ở các đảo khu vực quần đảo Hoàng Sa (5 tàu ở đảo Bạch Quy, 4 tàu ở đảo Trung Sa, 3 tàu ở đảo Bom Bay); 23 tàu của Quảng Ngãi đang trú tránh quanh các đảo Trụ Cẩu, Đá Lồi và Bom Bay.
Rút kinh nghiệm từ cơn bão Xangsange tháng 6-2006 gây thiệt hại nặng nề, nên trong ngày 26-9, tại các vùng ven biển của Đà Nẵng như Sơn Trà, Thanh Khê, Liên Chiểu, người dân khẩn trương dùng bao chứa cát, xà bần để chèn lên mái nhà.
Ven biển Đà Nẵng một số công trình tòa cao ốc xây dựng dở dang đang được khẩn cấp tháo dỡ nhiều thiết bị nặng, giàn giáo trên cao gây nguy hiểm. Biển quảng cáo diện tích lớn cũng được tháo dỡ khỏi các tòa nhà cao tầng. Ngay trong ngày 26-9, người dân Đà Nẵng đổ xô đi mua lương thực, thực phẩm, đèn sạc điện, xăng dầu… về tích trữ, phòng khi bão lớn đổ bộ vào đất liền.
Chiều 26-9, Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng huy động 18 phương tiện (10 ca nô, 8 tàu) ứng trực tại các khu vực trọng điểm như sông Cu Đê, Túy Loan, cầu Sông Hàn… và tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ ứng trực tại xã Hòa Phú, Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) triển khai các phương án giúp dân khi có bão, lũ ập đến.
Tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo các địa phương, các ngành chủ động phương án sơ tán dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm trước khi bão đổ bộ. Lên phương án sẵn sàng sơ tán 27.403 người dân (trong đó huyện Kỳ Anh 7.410 người, Cẩm Xuyên 3.757 người, Lộc Hà 6.483 người, Thạch Hà 8.495 người, Nghi Xuân 1.150 người và TP Hà Tĩnh 108 người…) đến nơi an toàn.
Sở GD-ĐT tỉnh Hà Tĩnh đã cho gần 200.000 học sinh, sinh viên, học viên được phép nghỉ học trong 2 ngày (từ 26 đến hết 27-9) để phụ giúp gia đình khẩn cấp thu hoạch lúa mùa chạy bão.
Tại Thừa Thiên – Huế, chiều 26-9, gió ven biển giật cấp 3-4, ngư dân các làng chài, người trông coi thuyền bè, người về nhà tranh thủ ràng chống nhà cửa và chuẩn bị nhu yếu phẩm cần thiết sẵn sàng ứng phó với bão số 4. Đường Hồ Chí Minh qua đèo Pê Ke (huyện A Lưới – Thừa Thiên – Huế) sạt taluy dương 1.353m³. Nhà máy thủy điện Hương Điền thượng nguồn sông Bồ mở 4 cửa van điều tiết nước từ lòng hồ về hạ du theo lưu lượng thực tế 284m3/giây để phục vụ việc đón mưa lũ do bão số 4 gây ra.
Tại các xã ven biển huyện Phú Vang – trọng tâm tác động mạnh của báo số 4, người dân với sự giúp đỡ của cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng Cửa khẩu Thuận An và Hải đội II đang tập trung nâng những bao tải cát lên chèn mái nhà lợp tôn thay vì dùng đá tảng như trước đây.
Lực lượng xung kích Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế gia cố thêm gỗ chống bão số 4 tại di tích Nghinh Lương Đình.
Đề phòng lũ
Từ đầu giờ chiều 26-9, trên hầu hết các địa bàn miền Trung xảy ra mưa to đến rất to, lũ trên các sông bắt đầu lên trở lại. Các sông từ Quảng Bình đến Thừa Thiên – Huế, khu vực Bắc Tây Nguyên và thượng nguồn các sông ở Hà Tĩnh có khả năng lên mức báo động 2 đến báo động 3, có nơi trên báo động 3. Như vậy, miền Trung phải oằn mình vừa chống bão vừa lo lũ lớn xảy ra trong 1-2 ngày tới.
Tại Quảng Nam, hiện các hồ thủy điện lớn như A Vương, Sông Tranh 2, Đak Mi 4 mực nước chỉ đến ngưỡng tràn, chưa phải xả lũ. Cụ thể, hồ thủy điện A Vương còn khoảng 15m nữa mới xả, Sông Tranh và Đak Mi 4 cửa xả tràn chưa hoàn thiện, đang mở tự do. Trong lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2, hiện vẫn còn 14 hộ dân đang sinh sống ở cao trình 167m (mực nước hồ hiện nay 155m) không chịu di dời do chưa thống nhất mức đền bù. Các cơ quan hữu quan đã chuẩn bị lực lượng, phương tiện, sẵn sàng phối hợp với địa phương tổ chức cưỡng chế sơ tán 14 hộ dân trên khi mực nước dâng cao.
Trước nguy cơ vỡ đập chính tại công trình hồ chứa Thọ Sơn (dự án thủy lợi Tây Nam Hương Trà), Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế yêu cầu UBND huyện Hương Trà tập trung chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị quản lý và thi công xử lý, khắc phục kịp thời phần đập chính nguy cơ vỡ toang bằng việc chèn gia cố 5.000 bao tải cát và xẻ kênh dẫn nước thoát nước ra ruộng lúa đã thu hoạch trước khi bão số 4 đổ bộ. Đồng thời, điều động lực lượng quân đội hỗ trợ bảo vệ thân đập.
Quần thể di tích cố đô Huế tại TP Huế và các huyện vùng ven đã được lực lượng xung kích Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế gia cố. Người dân TP Huế đến các chợ và siêu thị mua sắm nhu yếu phẩm dự trữ ứng phó với bão số 4. Tỉnh đang tiến hành sơ tán 25.130 hộ với hơn 102.031 nhân khẩu từ vùng thấp trũng, vùng có nguy cơ bị lũ quét và trượt lở đất đến nơi an toàn…
Tối 26-9, một số tuyến đường trong nội ô TP Hà Tĩnh bị ngập lụt cục bộ, tuyến đường 15A đi lên huyện miền núi Hương Khê đang thi công dang dở gặp mưa lớn gây chia cắt hoàn toàn.
Nhóm PV
Ngư dân đưa tàu thuyền về neo đậu tránh bão tại âu thuyền Thọ Quang, TP Đà Nẵng.
2 người chết, 2 người mất tích
Chiều 26-9, UBND thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên-Huế) cho biết đã tìm thấy thi thể đôi vợ chồng bị lật ghe. Vào chiều tối 25-9, anh Phạm Thăng, 50 tuổi, cùng vợ là chị Nguyễn Thị Chung, 42 tuổi, trú tại tổ 3, phường Thủy Lương, thị xã Hương Thủy, đang chèo ghe đi bủa lưới trên sông Đại Giang thì gặp mưa to, gió lớn, chiếc ghe bị lật úp khiến cả hai vợ chồng bị nước cuốn trôi. Được biết, gia đình anh chị có 4 đứa con gồm 2 trai và 2 gái, thuộc diện khó khăn của phường.
Tại huyện Tây Giang (Quảng Nam), cháu A Lăng Thạch, 7 tuổi, trú tại thôn Trà Làng, xã Bhalêê, khi đi bắt cá cùng với mẹ bị mưa lũ cuốn trôi và mất tích vào lúc khoảng 11 giờ trưa 23-9.
17 giờ chiều 26-9, Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên cho biết vẫn chưa tìm được tung tích của anh Nguyễn Vũ Viên (SN 1980 – ở phường Long Thủy, TP Tuy Hòa, Phú Yên), thuyền viên tàu PY 6678TS bị rơi xuống biển 10 giờ sáng cùng ngày khi đang trên đường vào đất liền tránh bão.
Dồn dập bão kép
* Đề nghị Chính phủ hỗ trợ ĐBSCL 170 tỷ đồng cứu lúa
Tại cuộc họp giao ban khẩn của Ban chỉ đạo PCLB Trung ương tổ chức chiều 26-9 tại Hà Nội, các chuyên gia đều lo ngại khi cơn bão số 4 có tên Haitang vừa đổ vào bờ biển miền Trung thì cơn bão mạnh Nesat cũng sẽ ập vào biển Đông với mức đe dọa còn ghê gớm hơn.
Theo ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, lo ngại hơn là sau cơn bão số 4, hiện nay cơn bão Nesat đã gần áp sát khu vực biển Đông. “Theo nhận định của chúng tôi, đêm nay 27-9, bão Nesat sẽ vào biển Đông, có hướng di chuyển gần giống với bão số 4” – ông Hải lo ngại. Ban đầu, các chuyên gia dự báo bão Nesat sẽ hướng về Hồng Kông, nhưng khả năng lớn là bão đi về phía Nam bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) và chạy thẳng vào vịnh Bắc bộ. Hiện bão Nesat đã mạnh lên cấp 12-13. Do bão rất mạnh nên các tàu đang đánh cá ở khu vực Bắc biển Đông cần phải di chuyển ngay về khu vực đảo Hoàng Sa hoặc biển Trung bộ. Với hướng di chuyển như trên, khoảng ngày 1 và 2-10, bão sẽ ập vào bờ biển nước ta. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT kiêm Trưởng ban chỉ đạo PCLB Trung ương Cao Đức Phát, chủ trì cuộc họp khẩn, cho rằng, với tốc độ mỗi ngày đi được 500km như hiện nay, theo tính toán, chỉ ngày 30-9 là bão Nesat đã “chạm” đất liền.
Cũng vừa tầm đó, ở phía Bắc sẽ có một đợt không khí lạnh mạnh nhất từ đầu mùa rét đến nay tràn về. Do đó, khi bão gặp không khí lạnh cường độ mạnh sẽ gây đợt mưa khủng khiếp cho Bắc bộ và Trung bộ, đồng thời có thể đẩy bão Nesat đổ xuống phía Nam. “Đây là cơn bão nguy hiểm, nên ngay từ đêm 26-9, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cần phải phát hai bản tin về hai cơn bão để cảnh báo rõ cho người dân”- Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị. Đồng thời, ngay đêm 26-9 hoặc sáng 27-9, Ban chỉ đạo PCLB Trung ương phải gửi công điện cho các tỉnh yêu cầu gọi ngay các tàu về bờ mới kịp.
Bên cạnh khẩn trương giúp người dân ở các tỉnh Trung Trung bộ đối phó bão số 4 và ngư dân chủ động tránh bão số 5 Nesat, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng đề nghị chính quyền các tỉnh ở ĐBSCL chủ động cứu đê, cứu lúa vụ ba, nỗ lực chống chọi với lũ. Mặc dù hiện nay, khu vực ĐBSCL đang phải đối mặt với đợt lũ lịch sử, nhưng khi cơn bão Nesat tràn vào biển Đông còn đe dọa thêm cho khu vực Nam bộ vì kéo gió mùa Tây Nam mạnh lên, gây mưa to trên diện rộng ở Đông Nam bộ và ĐBSCL, thậm chí cả thượng nguồn sông Mê Kông. Lũ trên các sông ở ĐBSCL hiện đã ở mức lịch sử nhưng sẽ còn lên cao hơn trong vài ngày nữa. Tỉnh An Giang hiện còn 128.000 ha lúa vẫn còn xanh, tỉnh Đồng Tháp cũng còn 130.000ha. Cứ chìm 1.000ha là mất 30 tỷ đồng, nên không còn cách nào khác là phải cứu lúa. Để giúp các tỉnh An Giang, Đồng Tháp chống lũ cứu lúa, Ban chỉ đạo PCLB Trung ương đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị hỗ trợ khẩn 170 tỷ đồng để có kinh phí đắp bờ bao, đắp đê ngăn lũ, cứu lúa vụ ba.
Với lượng mưa 600mm thì lũ ở các sông Trung Trung bộ cũng sẽ lên cao khi bão số 4 đổ vào, nguy cơ ngập lụt, sạt lở không thể tránh khỏi.
Phúc Hậu
Quân khu 5 giúp dân ứng phó với bão, lũ
Ngay trong chiều 26-9, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã yêu cầu Bộ đội Biên phòng các tỉnh tích cực theo dõi tàu thuyền, kiểm tra an toàn bến neo đậu, nắm chắc số tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển để thông báo vào nơi trú ẩn an toàn. Chỉ đạo lực lượng vũ trang toàn quân khu chủ động chèn chống nhà cửa, doanh trại, kho tàng…; cử người trực 24/24 giờ ở các vị trí xung yếu, phòng tránh lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, dự trữ lương thực, thực phẩm, nước uống, cơ thuốc sẵn sàng ứng cứu nhân dân khắc phục hậu quả bão số 4.
Bộ Tư lệnh Quân khu 5 cũng kiểm tra sở chỉ huy tiền phương phòng chống lụt bão tại Núi Thành và Tam Kỳ (Quảng Nam), chỉ đạo Lữ đoàn Công binh 270 đưa thiết bị, phương tiện sẵn sàng ứng cứu nhân dân các vùng lũ Duy Xuyên, Điện Bàn, Hội An. Sư đoàn 315 chuẩn bị lực lượng sẵn sàng cơ động ứng cứu giữ đập Phú Ninh khi có tình huống xấu xảy ra.