Ngày đăng: 08:49 AM 02/12/2015 - Lượt xem: 3666
Mất việc làm gia tăng do giá cả phi mã
Dù tiền lương “danh nghĩa” của người lao động ở tất cả các khu vực đều tăng theo lộ trình tăng lương tối thiểu của Chính phủ, nhưng tiền lương thực tế của người lao động lại đang giảm.
Giá tăng, tăng thất nghiệp
Trong báo cáo ngày 5/9 về tình hình lao động việc làm trong tám tháng vừa qua của Tổng LĐLĐ VN nêu rõ: Giá cả tăng phi mã là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất việc làm gia tăng và lan rộng. Đáng quan tâm là ở một số ngành, địa phương, tình trạng người lao động (NLĐ) mất việc làm đang gia tăng do giá cả các mặt hàng tăng mạnh, lãi suất ngân hàng luôn ở mức cao, các doanh nghiệp, nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn và mở rộng sản xuất kinh doanh, nhiều công trình, dự án phải đình hoãn theo chủ trương kiềm chế lạm phát của Chính phủ.
Với đồng lương ít ỏi, ngay cả những nhu cầu tối thiểu, người lao động cũng phải đắn đo, cân nhắc .
Bên cạnh tình hình mất việc của một bộ phận LĐ lại xuất hiện nghịch lý thiếu LĐ ở một số tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất khu vực phía Nam. Nguyên nhân là do mức lương của LĐ thấp, chi phí sinh hoạt ở các thành phố đắt đỏ, thu nhập không đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu nên một bộ phận công nhân (CN) đã chuyển việc khác hoặc trở về quê, tìm việc tại doanh nghiệp gần nhà.
Dù tiền lương “danh nghĩa” của NLĐ ở tất cả các khu vực đều tăng theo lộ trình tăng lương tối thiểu của Chính phủ, nhưng tiền lương thực tế của NLĐ lại đang giảm. Có một thực trạng bất bình đẳng là một tỷ lệ lớn CN, LĐ đang làm việc ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài có thu nhập rất thấp, tốc độ tăng lương chậm, trong khi một số LĐ làm việc trong các doanh nghiệp Nhà nước độc quyền lại có thu nhập rất cao, không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Công đoàn sẽ giám sát tình hình việc làm, thu nhập
Theo Tổng LĐLĐ VN, các cuộc đình công, ngừng việc tập thể vẫn tiếp tục tăng ở các tỉnh, thành phố trọng điểm có nhiều khu công nghiệp. Theo thống kê trong tháng Tám, cả nước xảy ra 61 cuộc đình công và ngừng việc tập thể. Như vậy, từ đầu năm đến nay, cả nước đã xảy ra 799 cuộc đình công.
Ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN cho rằng, nguyên nhân chủ yếu của các cuộc ngừng việc tập thể là chủ doanh nghiệp vi phạm quy định của pháp luật LĐ. Ngoài ra, còn do tiền lương, thu nhập quá thấp, chất lượng bữa ăn giữa ca chưa đảm bảo sức khỏe của NLĐ …
Vì vậy, một trong những định hướng tập trung của hệ thống công đoàn trong tháng Chín này là tiếp tục giám sát tình hình việc làm, thu nhập; tăng cường các biện pháp chăm lo đời sống CN, viên chức, LĐ, đặc biệt là CN, LĐ đang làm việc trong các khu công nghiệp, khu kinh tế. Bên cạnh đó, công đoàn sẽ tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật LĐ, Luật Công đoàn tại các doanh nghiệp, kịp thời giải quyết vướng mắc của CN, LĐ.
Theo PN online