Ngày đăng: 05:17 PM 28/11/2015 - Lượt xem: 3394
Điện Biên: 50% là hộ nghèo
Hôm nay (30/5), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) công bố kết quả tổng điều tra hộ nghèo toàn quốc và công bố Nghị quyết 80/NQ- CP về Định hướng giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011- 2020.
Theo kết quản tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2010, cả nước có hơn 3 triệu hộ nghèo và hơn 1,6 triệu hộ cận nghèo (theo mức chuẩn nghèo mới: 400.000 đồng/người/tháng trở xuống đối với vùng nông thôn và dưới 500.000 đồng/người/tháng áp dụng ở thành phố). Thống kê cho thấy, hiện Tây Bắc là vùng nghèo nhất nước ta; đối tượng hộ nghèo vẫn tập trung chính ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, ven biển, hải đảo, bãi ngang. Cũng theo kết quả tổng điều tra, Điện Biên là tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước với tỷ lệ 50%. Ngoài ra, 3 tỉnh Lai Châu, Lào Cai và Hà Giang đều có tỉ lệ hộ nghèo từ 40-50%.
Trước những băn khoăn của nhiều đại diện các cơ quan ban ngành về tỷ lệ hộ nghèo quá lớn ở những địa phương nói trên, ông Ngô Trường Thi, Chánh văn phòng Giảm nghèo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội lý giải: Trên thực tế, tuy tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực Tây Bắc cao nhất nhưng so với tỷ trọng trên cả nước thì chỉ ở mức 19%, do đặc điểm vùng có mức phân bố dân cư khá thưa thớt so với các vùng đồng bằng. “Có thể thấy rõ đối tượng hộ nghèo chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống ở nhiều vùng, miền có nhiều phong tục tập quán, trình độ dân trí khác nhau… Đây là một thách thức rất lớn đối với nước ta trong việc thực hiện các chính sách giảm nghèo thời gian vừa qua và sắp tới”, ông Hà Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc của Chính phủ nhìn nhận.
Nghị quyết 80 là một nội dung lớn cho cả giai đoạn 10 năm tới nhằm cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống của người nghèo, trước hết là khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tạo chuyển biến mạnh mẽ và toàn diện ở các vùng nghèo; thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, các dân tộc và các nhóm dân cư.
Cụ thể, Nghị quyết hướng đến đối tượng là người nghèo, hộ nghèo trên cả nước đang sinh sống ở huyện nghèo, xã nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc và miền núi. Mục tiêu giảm nghèo của ta là trong 10 năm tới, thu nhập bình quân đầu người của các hộ nghèo tăng lên 3,5 lần; tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm 2%/năm (riêng các huyện, xã nghèo giảm 4%/năm) theo chuẩn nghèo từng giai đoạn.
Không thể bỏ quên dân di cư và mức trượt giá
Theo Nghị quyết này, trong 10 năm tới, chúng ta tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo chung (hỗ trợ sản xuất, học nghề, tạo việc làm, giáo dục, y tế, dinh dưỡng, nhà ở, hỗ trợ pháp lý…) và các chính sách đặc thù giảm nghèo sẽ được các Bộ ngành rà soát và đưa vào hệ thống chính sách thường xuyên của mình để đảm bảo các hỗ trợ cần thiết sẽ được thiết kế đồng bộ và đáp ứng đúng nhu cầu của người nghèo”, đại diện Bộ LĐ-TB&XH khẳng định. Đồng thời, Nghị quyết chỉ rõ sẽ xây dựng và thực hiện một chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011- 2015 bao gồm các đề án, dự án giảm nghèo và hệ thống tiêu chí đánh giá công tác giảm nghèo quốc gia.
Việc tập trung nguồn lực cho các huyện, xã nghèo được nhấn mạnh trong Nghị quyết. “Nguồn lực từ các chính sách, chương trình giảm nghèo cũng như các chương trình mục tiêu quốc gia và dự án ODA sẽ tập trung đầu tư cho các địa bàn nghèo nhất của cả nước để đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo ở các xã này. Bên cạnh việc nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, Bộ LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với các cơ quan, bộ ngành để giới thiệu, hướng dẫn cho người dân về các chương trình, chính sách, hỗ trợ người dân được đào tạo nghề, kết hợp các chương trình tín dụng, khuyến nông, khuyến lâm với nâng cao năng lực để người dân tiếp cận chính sách tốt hơn” – Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm nhấn mạnh.
Vấn đề áp chuẩn nghèo trong những năm tới trong khi tình trạng trượt giá tại Việt Nam liên tục diễn ra mỗi năm cũng khiến là kiến nghị được nhiều đại biểu lưu ý với Bộ chức năng nhằm có những hướng giải quyết hợp lý.