Ngày đăng: 08:55 AM 02/12/2015 - Lượt xem: 3916
Dù đã hết hạn nhưng nhiều “lô cốt” vẫn tồn tại trên đường gây ảnh hưởng cuộc sống của người dân. Cơ quan chức năng khẳng định đã xử phạt nhiều lần nhưng vẫn chưa giải quyết được.
Tại đường Lũy Bán Bích, tuyến đường quan trọng nối giữa vòng xoay Phú Lâm (quận 6, TP HCM) đến ngã tư Bà Quẹo (quận Tân Phú) hiện có gần 30 “lô cốt”. Người dân ở đây vẫn gọi nó là “con đường đau khổ” vì tình trạng thi công kéo dài, nhiều “lô cốt” đã hết hạn nhưng vẫn nằm từ tháng này sang tháng khác.
Vào giờ cao điểm, từng dòng xe nối đuôi nhau nhích từng chút, len lỏi trên vỉa hè lởm chởm chỗ thấp chỗ cao. Những vụ va chạm, té ngã xảy ra không ít, chưa kể đến những tai nạn từ những tấm rào chắn bất ngờ ngã nhào xuống đè trúng người đi đường.
Chỉ tay về lô cốt ngay trước nhà mình, cụ Thịnh bức xúc: “Người dân cũng biết đào đường, lắp cống là để thoát nước, để cải thiện tình hình ngập nước của thành phố, nhưng vấn đề tại sao họ lại không làm cho xong mà cứ đào đường lên, rào lại rồi để tháng này qua tháng khác. Họ có hiểu cho nổi khổ của người dân chúng tôi không?”.
Chung tình cảnh, những hộ thuê mặt bằng để kinh doanh thì chỉ biết “khóc ròng” vì bị án ngữ trước cửa hàng trong suốt một thời gian dài.
Anh Hải, chủ đại lý xe máy trên đường Lũy Bán Bích, phường Phú Thạnh cho biết, cả năm nay doanh thu của đại lý anh giảm sút nghiêm trọng. “Lô cốt chiếm gần hết con đường, người dân phải leo lên vỉa hè để đi, chỉ muốn nhanh nhanh qua đoạn đường này thì còn ai muốn ghé cửa hàng tôi để mua xe”, người đàn ông lắc đầu vẻ ngán ngẩm.
"Lô cốt" chiếm hết cả lối đi trên đường Bà Hom, quận 6, người dân phải len lỏi trên vỉa hè lởm chởm.
Cũng bị “lô cốt” của dự án nâng cấp đô thị “hành hạ”, nhiều hộ trên đường Bà Hom (quận 6) khổ không kém. “Ngày nào cũng đi lại trên những con đường này, nắng thì bụi bặm, mưa thì sình lầy thật không thể chịu nổi”, anh Vũ nhà ở đường Bà Hom nói.
Chị Hoa, chủ tiệm áo cưới Ni Ni trên đường Bà Hom thì than ế ẩm suốt nhiều tháng qua trong khi phải trang trải đủ thứ tiền. “Cô dâu chú rể nào mà dám rủ nhau đến đây xem áo cưới. Trong khi đó mỗi tháng mất hàng chục triệu tiền thuê mặt bằng, nhân công, điện nước… “, chị Hoa bức xúc.
Theo ghi nhận của VnExpress trên những con đường dày đặc công trình này, hầu hết các biển báo đều đã hết hạn, nhiều bảng lại không ghi chi tiết thời gian thi công.
Trước đó, vào tháng 4 vừa qua, sau khi kiểm tra thực tế công trình dự án Nâng cấp đô thị trên đường Lũy Bán Bích và Bà Hom, lãnh đạo UBND TP HCM đã yêu cầu đơn vị chủ đầu tư dự án lắp đặt cống thoát nước trên 2 tuyến đường này phải gấp rút hoàn thành công trình. Thế nhưng, đến nay tiến độ thi công vẫn chậm chạp, chưa biết ngày nào xong.
Theo ông Lê Quyết Thắng, Giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 1, đơn vị quản lý địa bàn quận Tân Phú, khu 1 cho biết đã gửi nhiều văn bản đến chủ đầu tư dự án nâng cấp đô thị yêu cầu chấn chỉnh nhưng tình hình vẫn không khá hơn.
“Hiện nay chúng tôi hết cách với dự án này rồi, lập biên bản cũng đã 4-5 lần nhưng tình hình vẫn không thay đổi. Khu 1 chỉ quản lý chứ không có quyền xử phạt, chỉ chờ bên thanh tra của Sở GTVT xử lý”, ông Thắng cho biết.
Cũng theo ông Thắng, chủ đầu tư dự án trên đã đề nghị UBND TP cho chủ trương thực hiện nâng cấp và mở rộng đường Lũy Bán Bích ngay sau khi hoàn thành công trình đào đường lắp đặt cống thoát nước. Tuy nhiên, giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 cho rằng, trước mắt chủ đầu tư cần yêu cầu nhà thầu sau khi đào đường phải tái lập mặt đường nhằm đảm bảo giao thông, không thể để tình trạng ổ gà, ổ trâu và mặt đường ngập nước như hiện nay.
Một "lô cốt" của dự án nâng cấp đô thị đã hết hạn thi công, cũng không ghi thời gian gia hạn trên đường Lũy Bán Bích, quận Tân Phú.
Ông Lê Văn Thường, đội trưởng Đội thanh tra giao thông số 8 (Sở GTVT) phụ trách địa bàn quận Tân Phú thì cho biết, Đội đã xử phạt rất nhiều lần các nhà thầu thi công của dự án trên đường Lũy Bán Bích và Bà Hom. Trong đó có 2 lần xử phạt về tình trạng hết hạn giấy phép, thi công không an toàn gây tai nạn với mức xử phạt cao nhất là 25 triệu đồng mỗi lần.
Ngoài ra, Đội cũng đã nhiều lần xử phạt lỗi thi công không giấy phép mỗi lần từ 3,5-7 triệu đồng. Tuy nhiên tình hình vẫn không khá hơn, lý do nhà thầu đưa ra là do vướng các công trình ngầm nên không thể tiếp tục thi công được.
“Nếu gặp khó khăn vướng mắc trong quá trình thi công thì phải báo cáo lãnh đạo để giải quyết chứ không thể vì thế mà dây dưa làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân được. Chúng tôi sẽ cương quyết xử lý thật nghiêm nếu tiếp tục có vi phạm, đồng thời sẽ tăng cường thanh tra 2-3 lần một tuần, thường xuyên đôn đốc các đơn vị thi công”, ông Thường cho hay.
Theo Sở GTVT, trên địa bàn thành phố hiện nay có tổng số 68 vị trí rào chắn trên đường bộ để phục vụ thi công các công trình hệ thống thoát nước có vốn ODA và các dự án khác trên 22 tuyến đường. Trong đó:
Dự án Xây dựng Đại lộ Đông Tây có 1 vị trí trên 1 tuyến đường.
Dự án Vệ sinh môi trường thành phố (Lưu vực Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè) có 27 vị trí trên 6 tuyến đường.
Dự án Nâng cấp đô thị thành phố (Lưu vực Tân Hóa – Lò Gốm) có 21 vị trí rào chắn trên 3 tuyến đường.
Các công trình, dự án cải tạo hệ thống thoát nước, sửa chữa và nâng cấp cầu, đường khác có 19 vị trí rào chắn trên 12 tuyến đường.
Hữu Công